KẾT NỐI CUNG CẦU TRỰC TUYẾN GIỮA THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH VÀ CÁC TỈNH, THÀNH

(+8428) 3829 1670
Đăng nhập/ Đăng ký

Quên mật khẩu

Mời bạn nhập số điện thoại đã đăng ký để lấy lại mật khẩu

Hoặc

 tải lên giấy phép kinh doanh 

để lấy lại mật khẩu

Xác nhận mã OTP và mật khẩu mới

Mã OTP đã được gửi đến email

Thời gian còn lại: 1:00

Gửi lại mã mới

Lấy lại mật khẩu

Mời bạn cung cấp các thông tin bên dưới để lấy lại mật khẩu mới

Tải lên bản scan giấy phép kinh doanh

Tải lên bản scan giấy xác nhận lấy lại tài khoản

Tải về file mẫu giấy xác nhận

20 năm thực hiện Chương trình Bình ổn thị trường: Góp phần thực hiện công tác an sinh xã hội

22:30 10/01/2023

Từ nguyên tắc cố định giá, đến nay Chương trình Bình ổn thị trường thực hiện điều chỉnh giá bán linh hoạt, kịp thời, đảm bảo hợp lý, có khả năng dẫn dắt thị trường, đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp, người tiêu dùng và luôn thấp hơn thị trường từ 5% đến 10%.

Ngày 29-12, UBND TPHCM tổ chức tổng kết 20 năm thực hiện Chương trình Bình ổn thị trường giai đoạn 2002-2022, định hướng giai đoạn 2022-2032.

Tham dự và chủ trì hội nghị có Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi; Thứ trưởng Bộ Công thương Phan Thị Thắng cùng đông đảo cộng đồng doanh nghiệp, người dân trên địa bàn TPHCM.

Giá thấp hơn thị trường từ 5% đến 10%

Chương trình Bình ổn thị trường (BOTT) được triển khai liên tục từ năm 2002. Trải qua từng giai đoạn, chương trình đã không ngừng đổi mới, hoàn thiện, đến nay đã chứng minh là một trong những chủ trương đúng đắn, sáng tạo của Đảng bộ và Chính quyền TPHCM, thể hiện rõ vai trò quản lý nhà nước trong phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Chương trình nhận được sự đồng tình ủng hộ của các tầng lớp nhân dân, được cả hệ thống chính trị kiên trì tổ chức, chỉ đạo và ngày càng lan tỏa, được Chính phủ, các bộ ngành Trung ương đánh giá cao và chỉ đạo nhân rộng ra cả nước.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi trao Bằng khen, Bảng Vàng, Bảng Bạc cho doanh nghiệp tham gia Chương trình BOTT
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi trao Bằng khen, Bảng Vàng, Bảng Bạc cho doanh nghiệp tham gia Chương trình BOTT

Giai đoạn đầu, chương trình chỉ có thành phần kinh tế nhà nước tham gia, nhưng đến nay đã huy động tất cả các thành phần kinh tế đồng hành tham gia thực hiện BOTT. Trong đó, kinh tế tư nhân, khu vực vốn đầu tư nước ngoài đang ngày càng đóng góp lớn vào hiệu quả triển khai thực hiện chương trình. Nguồn vốn thực hiện chương trình từ hình thức nhà nước ứng vốn ngân sách cho doanh nghiệp dự trữ hàng hóa sang hình thức xã hội hóa, kết nối giữa ngân hàng với doanh nghiệp.

Đến nay, chương trình đã hoàn toàn xã hội hóa, quy mô chương trình ngày càng lớn. Từ nguồn vốn ngân sách 45 tỷ đồng, doanh thu chương trình đạt 344 tỷ đồng năm 2002; từ năm 2013, thành phố đã không còn ứng vốn ngân sách, doanh thu đã đạt 13.242 tỷ đồng; đến năm 2022 doanh thu của chương trình dự kiến đạt 22.355 tỷ đồng.

Tính chung giai đoạn 2012-2022, trong khi ngân sách nhà nước chỉ ứng vốn mồi 282 tỷ đồng năm 2012, tổng doanh thu chương trình ước đạt 189.095 tỷ đồng; trong đó mặt hàng thịt gia súc, thịt gia cầm, thực phẩm chế biến là các nhóm hàng quan trọng, chiếm 18% đến 33% tổng doanh thu. Bên cạnh đó, từ nguyên tắc cố định giá, đến nay chương trình thực hiện điều chỉnh giá bán linh hoạt, kịp thời, đảm bảo hợp lý, có khả năng dẫn dắt thị trường, đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp, người tiêu dùng và luôn thấp hơn thị trường từ 5% đến 10%.

Đánh giá về tính hiệu quả của Chương trình BOTT, Tổng Giám đốc Liên hiệp HTX Thương mại TP Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) Nguyễn Anh Đức cho rằng, sau 16 năm triển khai thực hiện nhiệm vụ BOTT, tổng lượng hàng bình ổn của Saigon Co.op hiện đạt khoảng 10.000 tấn/tháng, tăng gấp 8 lần so với thời gian đầu tham gia chương trình; tỷ lệ hàng Việt Nam tăng từ 80% lên trên 90% trong cơ cấu hàng hóa, riêng các mặt hàng BOTT luôn đảm bảo 100% là hàng Việt Nam. Số lượng điểm bán bình ổn cũng được mở rộng đến nhiều tỉnh thành khác, tăng từ 17 điểm bán lên hơn 600 điểm bán trên cả nước (riêng tại TPHCM là 422 điểm bán).

“Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, quy mô ngày càng lớn, số lượng doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế tham gia ngày càng nhiều, chương trình cần nhanh chóng xây dựng khung pháp lý phù hợp với các cam kết của thị trường quốc tế và nội địa. Đồng thời, tăng cường kiểm soát nguồn hàng trôi nổi trên thị trường, đảm bảo giám sát nghiêm về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa”, Tổng Giám đốc Saigon Co.op Nguyễn Anh Đức đề xuất.

"Chúng tôi cảm nhận sâu sắc sự tương đồng giữa mục tiêu của C.P Việt Nam và mục tiêu của Chương trình BOTT của TPHCM là luôn chú trọng đặt lợi ích của người dân, người tiêu dùng lên hàng đầu và hài hòa các lợi ích cho các doanh nghiệp tham gia, tạo ra sự hợp tác và cùng phát triển bền vững”, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam Montri Suwanposri chia sẻ tại hội nghị.

Doanh nghiệp nhận Bằng khen, Bảng Vàng, Bảng Bạc của UBND TPHCM trao tặng
Doanh nghiệp nhận Bằng khen, Bảng Vàng, Bảng Bạc của UBND TPHCM trao tặng

Ở góc độ người tiêu dùng, bà Nguyễn Hồng Thu, ngụ tại đường Nguyễn Trọng Tuyển, phường 15, quận Phú Nhuận, TPHCM đánh giá, Chương trình BOTT của thành phố nói chung và quận Phú Nhuận nói riêng đã được thực hiện nhiều năm với các nhóm mặt hàng thiết yếu; gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã góp phần thực hiện công tác an sinh xã hội cũng như công tác an toàn vệ sinh thực phẩm.

Bà Thu cũng mong muốn, trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 sắp đến, Chương trình BOTT tiếp tục được duy trì và phát triển hơn nữa điểm bán mới, mở rộng các mặt hàng.

Chương trình trở thành điểm sáng của TPHCM

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đánh giá, Chương trình BOTT qua 20 năm đã trở thành một điểm sáng của TPHCM, được hình thành và tiếp nối từ truyền thống nghĩa tình, năng động, sáng tạo của một thành phố luôn dành tình cảm và mọi điều kiện tốt nhất cho người dân thành phố cũng như người dân trên cả nước chọn thành phố làm nơi an cư lập nghiệp.

Chương trình BOTT là một cách tiếp cận đúng đắn, có tính hiệu quả của lãnh đạo thành phố các thời kỳ. Quá trình triển khai chương trình luôn được cập nhật một cách sáng tạo của các cơ quan quản lý nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp, mang đến sự nhận diện gần gũi đối với người tiêu dùng thành phố. Chương trình BOTT đã có những tác động xã hội quan trọng, góp phần tạo kênh mua sắm hàng hóa thiết yếu từ nhóm mặt hàng đầu tiên là lương thực thực phẩm đến mở rộng các nhóm mặt hàng phục vụ mùa tựu trường, sữa, y tế và linh hoạt điều chỉnh, cập nhật chương trình trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 phát sinh. Qua 20 năm triển khai, chương trình đã góp phần vào chỉ số giá tiêu dùng CPI của thành phố được ổn định và luôn thấp hơn CPI cả nước.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận xét, quá trình triển khai chương trình từ cách tiếp cận ban đầu là “bình ổn giá” đến “bình ổn thị trường” là sự thay đổi trong tư duy tiếp cận đầy sáng tạo. Từ việc nhà nước hỗ trợ đến việc nhà nước tạo ra cơ chế để các doanh nghiệp chủ động triển khai, từ đó trở thành tác giả và đồng tác giả của chương trình đã góp phần tạo ra những giá trị lan tỏa mạnh mẽ, tích cực đến cộng đồng doanh nghiệp thành phố cùng hưởng ứng, tham gia với số lượng doanh nghiệp ngày càng nhiều qua mỗi năm. Chương trình đã hình thành được mạng lưới liên kết giữa TPHCM với các tỉnh, thành trên cả nước, tạo vùng nguyên liệu ổn định từ sản xuất đến lưu thông hàng hóa, hình thành chuỗi cung ứng hàng hóa bền vững, đáp ứng kịp thời nhu cầu của người tiêu dùng trong mọi thời điểm.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành công của chương trình, Chủ tịch UBND TPHCM cho rằng vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần phải được tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp để phát huy hiệu quả toàn diện trong thời gian tới. Cụ thể, chưa hình thành được nhiều các vùng chuyên canh gắn kết với quá trình tiêu thụ sản phẩm tại các tỉnh, thành địa phương. Việc bắt kịp, đón đầu các xu hướng phát triển cũng như ứng dụng khoa học công nghệ, thương mại điện tử trong vận hành chuỗi cung ứng vẫn còn chậm. Các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tuy được triển khai tích cực nhưng khả năng tiếp cận của doanh nghiệp vào một số thời điểm còn chưa kịp thời.

"Do đó, để tiếp tục phát huy những giá trị thành công của chương trình trong thời gian tới, tôi đề nghị Sở Công thương và các sở, ban, ngành thành phố triển khai hiệu quả Quy chế của chương trình, hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện trên nguyên tắc xác định rõ các cơ chế phối hợp, triển khai, trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị. Tiếp tục phối hợp với các tỉnh, thành địa phương trong quá trình liên kết phát triển, hình thành các vùng chuyên canh đảm bảo các tiêu chuẩn, điều kiện về an toàn thực phẩm gắn với sản xuất, lưu thông hàng hóa", Chủ tịch UBND TPHCM yêu cầu.

Đồng thời, tham mưu các giải pháp hình thành cộng đồng liên kết bền vững trong xây dựng các tiêu chuẩn cho sản phẩm bình ổn thị trường mang giá trị thương hiệu đặc trưng, đó chính là Giá cả hợp lý - Chất lượng nâng cao”. Tiếp tục nghiên cứu, tham mưu UBND thành phố các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bình ổn thị trường trên tinh thần tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong hoạt động và phát triển, phát huy tính chủ động, sáng tạo của doanh nghiệp; tạo động lực cho doanh nghiệp đồng hành cùng thành phố thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội.

Đồng chí Phan Văn Mãi đề nghị, cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục đồng hành, cùng thành phố kiên trì giá trị cốt lõi bền vững của chương trình; tham gia không chỉ là cộng đồng trách nhiệm với xã hội mà còn tạo ra cho chính mình cơ hội để đưa sản phẩm, thương hiệu của doanh nghiệp đến gần hơn với người tiêu dùng.

Dịp này, TPHCM đã tặng Bằng khen cho 47 tập thể và 20 cá nhân; đề xuất tặng Bằng khen của Bộ Công thương cho 7 tập thể, 8 cá nhân và trình khen thưởng cấp Nhà nước cho 12 tập thể và 3 cá nhân. Thành phố trao các Bảng Vàng, Bảng Bạc đến các đơn vị doanh nghiệp bình ổn thị trường đã có quá trình gắn bó, đồng hành cùng thành phố trong hành trình 20 năm hình thành và phát triển Chương trình BOTT của thành phố.

Nguồn: ttbc-hcm.gov.vn