KẾT NỐI CUNG CẦU TRỰC TUYẾN GIỮA THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH VÀ CÁC TỈNH, THÀNH

(+8428) 3829 1670
Đăng nhập/ Đăng ký

Quên mật khẩu

Mời bạn nhập số điện thoại đã đăng ký để lấy lại mật khẩu

Hoặc

 tải lên giấy phép kinh doanh 

để lấy lại mật khẩu

Xác nhận mã OTP và mật khẩu mới

Mã OTP đã được gửi đến email

Thời gian còn lại: 1:00

Gửi lại mã mới

Lấy lại mật khẩu

Mời bạn cung cấp các thông tin bên dưới để lấy lại mật khẩu mới

Tải lên bản scan giấy phép kinh doanh

Tải lên bản scan giấy xác nhận lấy lại tài khoản

Tải về file mẫu giấy xác nhận

TP.HCM: Chương trình bình ổn thị trường giúp hình thành chuỗi cung ứng hàng hoá

09:00 30/12/2022

Khởi động từ năm 2002, Chương trình bình ổn thị trường đã góp phần bảo đảm an sinh xã hội, ổn định nguồn cung. Hàng hóa tham gia chương trình luôn có giá thấp hơn thị trường từ 5 - 10%...

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Trong năm 2022, Chương trình bình ổn thị trường của TP.HCM đã cung ứng lượng hàng trứng gia cầm bình ổn chiếm 79% thị phần, thịt gia cầm chiếm 33,8%, dầu ăn chiếm 28,2%, đường chiếm 21,3%, thịt gia súc chiếm 18,6%... Tổng doanh thu của chương trình năm 2022 ước đạt gần 22.400 tỷ đồng.

TỪ BÌNH ỔN GIÁ ĐẾN BÌNH ỔN THỊ TRƯỜNG

Hơn 10 năm nay, chị Nguyễn Hồng Thu (phường 15, quận Phú Nhuận), luôn tìm đến những chương trình bình ổn thị trường để tìm mua các mặt hàng với giá cả hợp lý, chất lượng tốt...

“Tôi biết đến chương trình bình ổn thị trường của TP.HCM nói chung và quận Phú Nhuận nói riêng với các nhóm mặt hàng thiết yếu gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Là người nội trợ trong gia đình, thường xuyên đi chợ lo bữa ăn hàng ngày, việc mua hàng bình ổn thị trường rất thuận lợi dễ dàng, giảm đáng kể tiền chi tiêu, yên tâm về chất lượng sản phẩm, xuất sứ hàng hóa...”, chị Thu chia sẻ.

Từ những phản ánh tích cực của người dân, Chương trình bình ổn thị trường của TP.HCM ngày càng được biết đến rộng rãi với sự tham gia tích cực của nhiều doanh nghiệp trên địa bàn.

Khởi động từ năm 2002, chương trình đã góp phần bảo đảm an sinh xã hội, ổn định nguồn cung, cũng như giá cả các mặt hàng thiết yếu để phục vụ người dân. Hàng hóa tham gia chương trình luôn có giá thấp hơn thị trường từ 5 - 10%.

Trong dịp kỷ niệm 20 năm diễn ra vào ngày 29/12/2022, theo báo cáo của UBND TP.HCM, mục tiêu ban đầu của Chương trình bình ổn thị trường là nhằm dự trữ các mặt hàng thiết yếu cung ứng cho thị trường, hạn chế tình trạng khan hiếm hàng hóa, biến động giá trong những ngày giáp Tết và cận Tết Nguyên đán.

Tính đến nay, trên toàn địa bàn thành phố đã có 10.983 điểm bán hàng bình ổn thị trường, gồm 4.209 điểm bán các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu; 881 điểm bán các mặt hàng phục vụ mùa khai giảng; 1.711 điểm bán sữa và 4.182 điểm bán các mặt hàng dược phẩm.

Tổng doanh thu chương trình bình ổn thị trường giai đoạn 10 năm (từ năm 2012 đến năm 2022) ước đạt hơn 189.000 tỷ đồng, trong đó, mặt hàng thịt gia súc, thịt gia cầm, thực phẩm chế biến là các nhóm hàng quan trọng, chiếm từ 18 - 33% tổng doanh thu của chương trình.

Qua 20 năm triển khai, chương trình từ cách tiếp cận ban đầu là “bình ổn giá” đến “bình ổn thị trường” là sự thay đổi trong tư duy tiếp cận đầy sáng tạo, đã góp phần vào chỉ số giá tiêu dùng CPI của thành phố được ổn định và luôn thấp hơn CPI cả nước.   

Là đơn vị tham gia chương trình, theo ông Nguyễn Anh Đức, Tổng giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM (Saigon Coop), trong thời gian tham gia thực hiện nhiệm vụ bình ổn thị trường, tổng lượng hàng bình ổn của Saigon Coop bình quân đạt 10.000 tấn/năm; trong đó, các mặt hàng bình ổn thiết yếu chiếm 70 - 80%. Số lượng điểm bán bình ổn cũng được mở rộng đến nhiều tỉnh, thành khác; tăng từ 17 điểm bán ban đầu lên hơn 600 điểm bán trên cả nước, riêng tại TP.HCM là 422 điểm bán.

“Tuy vậy, bình ổn thị trường hiện nay không đơn thuần là kiểm soát về mặt giá cả mà phải gắn chặt với các chuỗi giá trị cũng như chuỗi cung ứng trong bình diện chung nhằm bảo đảm bình ổn cho cả người sản xuất, nhà cung ứng lẫn người tiêu dùng”, ông Đức nói.

 

Còn theo bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thưc phẩm TP.HCM, sau 20 năm triển khai, chương trình đã quy tụ nhiều doanh nghiệp sản xuất, cung ứng các mặt hàng lương thực thực phẩm chủ lực. Điều này cho thấy chương trình sức lan tỏa lớn, mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp và người tiêu dùng không chỉ tại TP.HCM mà hiện nay đã được nhân rộng và triển khai đều ở hầu hết các tỉnh thành trong cả nước.

“Chúng tôi và các doanh nghiệp đều thống nhất quan điểm rằng tham gia bình ổn thị trường vừa là trách nhiệm vừa là quyền lợi của doanh nghiệp. Bởi, thực tế từ khi có chương trình bình ổn, thì tình trạng tích trữ hàng trước, chờ đến Tết để nâng giá lên không còn nữa. Bên cạnh đó, doanh nghiệp bình ổn luôn bảo đảm nguồn hàng dồi dào và khi thị trường biến động, doanh nghiệp sẽ có ngay lượng hàng đáp ứng, không để xảy ra tình trạng khan hiếm, thực tế đã chứng minh trong đợt dịch Covid-19”, bà Chi cho biết.

Tương tự, ông Nguyễn Đăng Phú, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan), cho biết chương trình bình ổn thị trường đã tạo điều kiện cho sản xuất, đầu ra ổn định, bảo đảm lợi ích cho người sản xuất, từ đó tạo nguồn cung ổn định, bền vững cho thị trường.

HÌNH THÀNH MẠNG LƯỚI LIÊN KẾT, CHUỖI CUNG ỨNG

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, Chương trình bình ổn thị trường đã hình thành được mạng lưới liên kết giữa TP.HCM với các tỉnh, thành trên cả nước, tạo vùng nguyên liệu ổn định từ sản xuất đến lưu thông hàng hóa, hình thành chuỗi cung ứng hàng hóa bền vững, đáp ứng kịp thời nhu cầu của người tiêu dùng trong mọi thời điểm.

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM: "Chương trình bình ổn thị trường đã hình thành được mạng lưới liên kết giữa TP.HCM với các tỉnh, thành trên cả nước..." - Ảnh:PC.
Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM: "Chương trình bình ổn thị trường đã hình thành được mạng lưới liên kết giữa TP.HCM với các tỉnh, thành trên cả nước..." - Ảnh:PC.

Tuy nhiên, ông Mãi cho rằng vẫn còn những hạn chế, như: chưa hình thành được nhiều các vùng chuyên canh gắn kết với quá trình tiêu thụ sản phẩm tại các tỉnh, thành địa phương.

Việc ứng dụng khoa học công nghệ, thương mại điện tử trong vận hành chuỗi cung ứng sản phẩm vẫn còn chậm.

Các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tuy được triển khai tích cực nhưng khả năng tiếp cận của doanh nghiệp vào một số thời điểm còn chưa kịp thời.  

Trong thời gian tới, ông Mãi yêu cầu Sở Công Thương cần có các giải pháp hình thành cộng đồng liên kết bền vững trong xây dựng các tiêu chuẩn cho sản phẩm bình ổn thị trường mang, đó là “Giá cả hợp lý - Chất lượng nâng cao”.

Còn theo bà Phan Thị Thắng, Thứ trưởng Bộ Công Thương, trong dài hạn, cần tiếp tục theo sát diễn biến thị trường, giá cả, kịp thời kiến nghị biện pháp xử lý cụ thể; tăng cường phát huy các sáng kiến kết nối cung cầu hàng hóa, hình thành các chuỗi liên kết dọc (liên kết thành một chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng của một hoặc một nhóm sản phẩm, hàng hóa) và liên kết ngang (giữa những doanh nghiệp cùng ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh về một hoặc một nhóm hàng hóa) giữa các nhà sản xuất, nhà phân phối và nhà cung ứng.

Nguồn: vneconomy.vn